Thiếu sân chơi cho trẻ em – câu chuyện không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ. Trên thực tế, nhu cầu của trẻ em là được vui chơi, vận động nhằm phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh các khu vui chơi, nhất là khu vui chơi giải trí miễn phí hiện còn rất thiếu. Vì vậy, việc khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các sân chơi cho trẻ là việc làm cần thiết.
Khu vui chơi dành cho trẻ em tại Trung tâm Thương mại Vincom, phường Phan Thiết
(TP Tuyên Quang).
Sân chơi trẻ em, nỗi lo người lớn
Tỉnh ta có trên 760 nghìn người, trong đó trẻ em chiếm 27% dân số. Hiện nay, các điểm vui chơi cho trẻ em do Nhà nước đầu tư vẫn còn rất hạn chế, có thể chỉ ra ngay các điểm như: Trung tâm Văn hóa, Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh; Thư viện tỉnh và thư viện các huyện, thành phố; hệ thống nhà văn hóa từ tỉnh xuống cơ sở.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Trong đó, có đến 44 nhà văn hóa đã bị hư hỏng, xuống cấp không còn hoạt động được. Cũng theo rà soát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh ta còn 371 thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa. Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 118 nhà văn hóa. Trong đó, có 16 nhà văn hóa đạt chuẩn theo Quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hơn nữa, hầu hết trong số 118 nhà văn hóa này chưa có phòng chức năng như hành chính, thông tin truyền thanh, đọc sách, báo, câu lạc bộ; chưa có phòng tập thể thao để huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu thể thao.
Hiện nay, cùng với Trung tâm Văn hóa – Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh thì Trung tâm Văn hóa – Thông tin thể thao các huyện, thành phố là một trong những địa chỉ để các em thiếu niên, nhi đồng có thể đến đăng ký tham gia học các bộ môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe và vui chơi lành mạnh. Điển hình như: Võ karatedo, võ Vovinam, bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền… Tuy nhiên, nhiều địa điểm chỉ hoạt động mạnh trong dịp hè chưa kể đến chi phi đóng góp còn là vấn đề của một số gia đình có thu nhập thấp.
Khu bể bơi của gia đình ông Phạm Văn Tám, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đầu tư trên 700 triệu đồng
được cấp phép và đi vào hoạt động tháng 6-2020.
Thực trạng thiếu điểm vui chơi cho trẻ em là một vấn đề từ bao năm nay. Theo anh Lê Anh Tuân, Phó Bí thư Huyện đoàn Hàm Yên, không có nơi vui chơi, nhiều em thiếu nhi, nhất là ở nông thôn, vùng cao đã rủ nhau thả diều, đá bóng ở đường hoặc rủ nhau đi tắm sông, suối. Các em tự tìm chỗ chơi mà không lường trước được nguy hiểm. Những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra, nhiều em nhỏ bị đuối nước, tai nạn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 30 vụ đuối nước, trong đó nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Nghiêm trọng nhất là vụ xảy ra ngày 4-9-2011 trên sông Phó Đáy, đoạn qua xã Kháng Nhật (Sơn Dương) làm chết 4 em học sinh Trường THCS Kháng Nhật.
Còn ở thành phố do thiếu chỗ vui chơi, bất đắc dĩ lòng đường, vỉa hè, ngã ba đường đã trở thành sân chơi của nhiều trẻ nhỏ. Điều này, không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn là mối nguy hiểm đối với các em vì dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chưa kể đến việc bố mẹ mải đi làm, trẻ em không được quản lý tốt đã sa đà vào những trò chơi vô bổ như game online, các tụ điểm vui chơi không lành mạnh…
Giải bài toán bằng nguồn lực xã hội hóa
Ở tỉnh ta, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Trong Kế hoạch số 55/KH-UBND năm 2013 của UBND tỉnh về việc “Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và Quyết định 1555/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020” đã đề cập về xã hội hóa sân chơi. Trong đó nhấn mạnh, cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có nhiều hoạt động tạo sân chơi cho trẻ em. Từ năm 2013 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi cho 17 điểm trường mầm non trên địa bàn tỉnh, tổng trị giá 850 triệu đồng.
Năm 2017, Hội đồng đội tỉnh cũng đưa ra kế hoạch từ đầu năm là các huyện đoàn, thành đoàn xây dựng một điểm vui chơi cho trẻ em. Thành đoàn Tuyên Quang đã xây dựng điểm vui chơi tại Trường Mầm non Kỳ Lãm, xã Đội Cấn. Trong thời gian tới, Thành đoàn tiếp tục thực hiện thêm 4 điểm vui chơi trên địa bàn thành phố.
Khu vui chơi do Nhóm Thiện nguyện Hà Nội và đoàn viên, thanh niên Công an thành phố Tuyên Quang vừa xây dựng cho trẻ em thôn Ngòi Nẻ, thị trấn Na Hang.
Nhiều năm nay, việc xã hội hóa sân chơi cho trẻ em còn có sự vào cuộc của một số cá nhân, đơn vị hảo tâm. Điển hình như mô hình “Câu lạc bộ bóng đá Nụ Cười” của 120 thành viên nhí tại xã Thái Hòa (Hàm Yên) do ông Ma Lê Hoàng đứng ra tổ chức cho con em trong xã. Hoạt động xây dựng sân chơi cho trẻ tại thôn Ngòi Nẻ, thị trấn Na Hang và Điểm trường mầm non Hòa Bình, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) do Nhóm Thiện Nguyện Hà Nội cùng đoàn viên, thanh niên Công an thành phố Tuyên Quang đầu tư xây dựng…
Tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố, các bậc phụ huynh cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến để tạo sân chơi cho trẻ em. Ông Lê Ngọc Thông, Tổ phó tổ 2, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cho biết, tận dụng sân rộng của nhà văn hóa, tổ đã mua lưới và bóng chuyền, cầu lông để cho người dân và các cháu thiếu nhi đến tập luyện. Đặc biệt, tổ đã trích tiền quỹ đóng giá sách cho tủ sách của tổ, sau đó sẽ vận động người dân ủng hộ các loại sách, truyện thiếu nhi để phục vụ các độc giả nhỏ tuổi trong tổ vào các ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần.
Khu vui chơi kinh doanh vừa là thích hợp để trẻ em trải nghiệm sức tưởng tượng
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 8 khu vui chơi, 18 bể bơi, 2 sân cỏ nhân tạo do tư nhân, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư… Ngoài ra, còn có một số điểm cho thuê sách truyện cũng dần đáp ứng nhu cầu giải trí cho trẻ. Các khu vui chơi chủ yếu do các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân đầu tư với nhiều loại hình trò chơi phù hợp với nhiều lứa tuổi như: Đu quay, thú nhún, xe điện, nhà bóng, hồ câu cá… đã thu hút đông đảo các em nhỏ đến chơi.
Bảng giá bán xu cho các bé
Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Tuyên Quang nói, nhận thấy nhu cầu vui chơi của trẻ, công ty đã đầu tư xây dựng thêm khu vui chơi tại tầng 3 Siêu thị sách. Trong quá trình thực hiện, công ty đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc đầu tư khu vui chơi cũng gặp khó khăn về nguồn vốn. Mong rằng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.
Bên cạnh mặt được, các điểm vui chơi tư nhân hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là giá các dịch vụ còn cao, chưa phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Mặt khác, vấn đề mà nhiều phụ huynh lo ngại đó là chất lượng các khu vui chơi như: Nguồn gốc, xuất xứ các đồ chơi; việc bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên… Ngoài ra, một số địa điểm cho thuê sách báo, truyện tranh, người lớn khó có thể kiểm soát được nội dung của những truyện tranh mà con em mình đọc và tiếp nhận. Bởi trong đó có những sản phẩm mang tính bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi các em.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở những cơ sở vui chơi, bể bơi hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao cho biết, Sở thường xuyên đến kiểm tra hoạt động các khu bể bơi, cấp phép cho bể bơi đạt chất lượng và tiêu chuẩn như có bảng tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện hoạt động dạy bơi, chứng chỉ hướng dẫn viên, cứu hộ, nhân viên y tế… Hiện nay, Sở đã cấp phép được 10 bể bơi, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục kiểm tra để cấp phép cho những cơ sở có đủ điều kiện đi vào hoạt động.
Hiện nhu cầu vui chơi tại các công ty thiết kế khu vui chơi giải trí ngoài trời, lành mạnh, an toàn cho lứa tuổi thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh là rất lớn. Để tạo được nhiều sân chơi thực sự bổ ích, lành mạnh cho trẻ rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia của toàn xã hội.
Bài viết tiếp theo: Khu vui chơi trẻ em là gì? Tại sao nên đầu tư vào khu vui chơi trẻ em?